top of page
D3.jpg

Việt Nam chính thức nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số.


Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong Chiến lược phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

Xu hướng tất yếu trong tương lai

Trong Quyết định 942 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đưa ra mục tiêu nghiên cứu, phát triển và làm chủ các công nghệ lõi mà VN có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối ( blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến trong chính phủ số. Trong đó, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối giai đoạn 2021 - 2023.

Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định Chính phủ đặt ra vấn đề tiền kỹ thuật số ở thời điểm hiện nay là phù hợp, không phải sớm nhưng cũng chưa muộn dù một số nước đã nghiên cứu thời gian qua. Trong nhiều quy định đã ban hành, VN cũng xác định lấy công nghệ làm trọng điểm để phát triển trong tương lai. Đó là giao dịch thương mại, trải nghiệm tương tác của người dùng, giao dịch trực tuyến - fintech và kèm theo là tiền kỹ thuật số. Xu hướng ra đời của tiền kỹ thuật số là tất yếu. "Hiện nay, những đồng tiền truyền thống của Mỹ, Euro, Nhật... đã có tầm ảnh hưởng lớn trong rổ tiền tệ thế giới và giao thương quốc tế. Nhưng trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ mới, một số quan điểm cho rằng nhiều nước nhỏ như VN cũng có thể có cơ hội vươn lên, tạo ra tầm ảnh hưởng mới trên hệ thống tài chính toàn cầu thay cho những đồng tiền truyền thống", ông Nghĩa nói và cho rằng đồng tiền kỹ thuật số sẽ được thực hiện thí điểm và trong quá trình đó, Chính phủ sẽ đánh giá những mặt tích cực và tiêu cực nếu có để có chính sách quản lý phù hợp hơn. Hiện nay tỷ lệ thanh toán không tiền mặt đang gia tăng ở VN nên việc phát hành tiền kỹ thuật số của NHNN cũng có thể giúp thúc đẩy thêm quá trình này.

Đánh giá đây là tin vui, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng cần tích cực thúc đẩy để thực hiện sớm. Theo một nghiên cứu khảo sát, ngân hàng trung ương các nước có 3 phản ứng khác nhau về tiền kỹ thuật số. Nhóm 1 có khoảng 65 - 68 ngân hàng trung ương thực hiện thí điểm triển khai, nhóm 2 bắt đầu xây dựng kế hoạch và nhóm 3 đứng ngoài quan sát. VN nằm trong nhóm thứ 3 và với việc Thủ tướng giao cho NHNN nghiên cứu, xây dựng và thí điểm thì VN chuyển nhóm 3 lên nhóm 2. Lý giải thêm, ông Chí cho hay các quốc gia hiện nay đang chạy đua công nghệ để xử lý giao dịch trở thành trung tâm tài chính quốc tế, khu vực. Nhanh chóng triển khai chính phủ điện tử và làm càng sớm thì càng đạt được lợi thế. "Với tính ẩn danh cao, tiền số cũng có những rủi ro an ninh tài chính tiền tệ nếu có ai đầu cơ tích trữ gây ra các nguy hại không đáng có cho nền kinh tế. Hơn nữa, tốc độ xử lý giao dịch của khối blockchain cũng chậm hơn, khó đáp ứng được tốc độ giao dịch của người dân diễn ra hàng giờ, hàng phút. Vì vậy, công nghệ này chỉ có thể áp dụng cho hệ thống liên ngân hàng, các ngân hàng xuyên biên giới nhằm tránh các cuộc tấn công từ bên ngoài do tính bảo mật cao", ông Chí nói.